Internalized Misogyny, explained - Cách phụ nữ "được dạy" để ghét chính mình
Theo khảo sát của báo Standard vào năm 2022, có tới 96.3% người khảo sát tin rằng phụ nữ “thù ghét chính mình và những người phụ nữ” khác. Vậy sự thù ghét chính mình này thực chất đến từ đâu?
“Bạn cư xử rất là đàn bà”
“Bạn cư xử rất là đàn ông.”
Hai câu trên hoàn toàn y hệt nhau, chỉ khác nhau ở sự thay đổi giữa “đàn bà” và “đàn ông”. Tuy nhiên ai cũng biết câu nào có ý hạ nhục, câu nào mang nghĩa khen ngợi.
Đã từ rất lâu, “giống như đàn bà/phụ nữ” được nói ra với ý nghĩa sỉ nhục. Trong đó danh từ chung “đàn bà” ngầm tóm gọn cho các đặc điểm tính cách tiêu cực như: lắm lời, keo kiệt, bủn xỉn, sân si,… Đàn ông sử dụng mẫu câu quen thuộc ấy để sỉ nhục nhau và cũng chẳng khó để chúng ta bắt gặp phụ nữ sử dụng cụm từ “giống đàn bà” để thóa mạ một ai đó.
Câu nói trên chỉ là một trong hàng ngàn những ví dụ cho việc xã hội thường có cái nhìn tiêu cực về “một nửa thế giới” như thế nào. Không chỉ những việc nhỏ như ăn nói, cư xử. Nhìn rộng ra, phụ nữ thường bị gán với những cái mác như “kém hiệu quả hơn”, “sở hữu nhiều tính xấu hơn”, “khả năng thành đạt ít hơn hoặc … không cần thành đạt”. Nếu bạn là phụ nữ, chắc hẳn bạn đã từng ít nhất một lần phải nghe những điều trên. Tuy nhiên, việc đáng buồn hơn là khi chúng ta phải nghe điều ấy từ chính những người nữ xung quanh ta - mẹ, cô, dì, bạn bè cùng giới, …
Theo khảo sát của báo Standard vào năm 2022, có tới 96.3% người khảo sát tin rằng phụ nữ cũng có lối suy nghĩ “thù ghét chính mình và những người phụ nữ” khác.
Vậy sự thù ghét chính mình này thực chất là gì và chúng đến từ đâu?
Đầu tiên: Sự thù ghét phụ nữ (Misogyny) là gì?
Theo từ điển Oxford, Misogyny hay sự thù ghét phụ nữ là cảm giác ghét hoặc không thích phụ nữ, hay ý niệm rằng phụ nữ không tốt bằng đàn ông theo góc nhìn tổng thể.
Một cách chi tiết thì Misogyny miêu tả cảm giác căm ghét sâu kín, hay khinh thường, thành kiến đối với phụ nữ. Lối suy nghĩ này giữ phụ nữ ở vị trí xã hội thấp hơn nam giới, nhằm mục đích duy trì vai trò xã hội của chế độ phụ hệ (nơi đàn ông phải luôn được nắm quyền lớn nhất).
Ở đời sống thực tế, sự thù ghét phụ nữ không thể hiện ngay lập tức giống như việc bạn “ghét hề” mà thấy gã hề thì bạn liền tránh né. Những người có xu hướng ghét phụ nữ vẫn giao lưu với phụ nữ như bình thường, tuy nhiên họ luôn có suy nghĩ “phụ nữ là nguyên nhân của mọi tội lỗi”, hoặc phụ nữ không đủ giỏi để đạt được sự chấp nhận nào đó mà họ xứng đáng được nhận. Chúng ta có thể tìm thấy lối suy nghĩ ở vế đầu trong các trường hợp bạo hành và tấn công phụ nữ vì họ: từ chối tình cảm, từ chối quan hệ, không chịu nối lại tình cũ,…
Để hiểu rõ hơn về xu hướng quy đổ trách nhiệm lên phụ nữ, hãy cùng xem thử một đoạn phỏng vấn về văn hóa đổ lỗi hiếp dâm tại Ấn Độ.
Những lời lẽ đáng ghê sợ trên là ví dụ cho vô số những luận điểm, luận cứ coi phụ nữ là nguồn cơn tội lỗi kể cả trong các tính huống họ là người bị hại. Không chỉ ở trong các tình huống cực điểm như bị tấn công, việc đổ lỗi cho phụ nữ còn xảy ra thường xuyên trong các hiện tượng xã hội khác như: phụ nữ bị đổ tội là “lười đẻ” khi tỉ lệ sinh thấp, phụ nữ bị chỉ trích khi tỉ lệ kết hôn thấp, hay khi … đàn ông ra ngoài ngoại tình,…
Việc ngược ngạo coi “phụ nữ là nguyên nhân của tội lỗi” cũng có thể dễ dàng tìm thấy trong đời sống thường ngày ở Việt Nam với những câu nói quen thuộc như: “Bà vợ phải làm sao ông chồng mới đi cặp bồ”, “Nó láo nên mới bị chồng nó đánh”, “Tình cảm không rõ ràng nên mới bị thằng bạn trai “cú” lên xong xiên”, …
Ở mức độ “ít nguy hiểm” hơn, sự thù ghét phụ nữ được thể hiện qua những định kiến khinh thường về khả năng của một phụ nữ chỉ bởi … giới tính của họ. Những câu nói quá đỗi quen thuộc như: “Phụ nữ học cao làm gì”, “Đàn bà biết cái gì?”, … tồn tại và xuất hiện lặp đi lặp lại trong nhà, ngoài ngõ, tại sân trường, nơi làm việc, trên mạng. Phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi, quốc tịch, đẳng cấp nào cũng có thể trở thành nạn nhân của sự thù ghét và coi thường phụ nữ
Vào năm 2018, hai trường đại học tại Nottingham đã kết hợp với sở cảnh sát để thực hiện dự án “Báo cáo đánh giá tội phạm căm thù phụ nữ”. Sau hai năm nghiên cứu, người ta phát hiện ra rằng hơn một nửa số phụ nữ tham gia đã từng bị đe dọa, gần một nửa đã bị quấy rối tình dục, một phần tư bị theo dõi về nhà và một phần tư đã bị tấn công tình dục.
Việc luôn bị đối xử tệ đã là một vấn đề, nhưng sự thù ghét này còn dần lan đến chính những người phụ nữ ấy để rồi họ bắt đầu … ghét chính họ.
Cách phụ nữ được dạy để ghét chính mình
Trong nghiên cứu “Chất liệu của sự tự phân biệt giới” (The Fabric of Internalized Sexism), giáo sư Bearman đưa ra ý kiến rằng sự tự căm ghét của phụ nữ được hình thành “sau khi phải tiếp xúc, quan sát xã hội lan truyền những niềm tin hạ thấp giá trị và kỹ năng của phụ nữ, nữ tiếp thu những niềm tin sai lầm này rồi áp dụng vào bản thân và những người phụ nữ khác”.
Đây cũng chính là lý giải cho câu “tính như đàn bà” mà chúng ta thường xuyên được nghe trong giao tiếp. Mỉa may thay, khoa học mà nói phụ nữ không hề đại diện cho những tính từ tiêu cực như sân si, ác nghiệt, như ngụ ý của câu thóa mạ ấy.
Trên thực tế, có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng phụ nữ thường có xu hướng cư xử tốt bụng hơn đàn ông và cũng không hề “lắm chuyện” như xã hội hay nói. Theo một nghiên cứu của Đại học California-Riverside, tỉ lệ cả hai giới tham gia buôn chuyện là như nhau, thậm chí phụ nữ tham gia các cuộc nói chuyện mang tính trung tính nhiều hơn nam.
Phụ nữ cũng không hề xấu tính hay ác nghiệt. Một nghiên cứu khoa học của Đại học Zurich chỉ ra rằng não bộ của nam giới và nữ giới phản ứng khác nhau với các hành vi mang tính vị tha hay ích kỷ, trong đó hệ thống striatum (khu vực quản lý phản ứng mang tính ‘khen thưởng’ trong não bộ) của phụ nữ sẽ được kích thích mạnh hơn khi chứng kiến hoặc hành động những việc tử tế, còn não đàn ông sẽ bị kích thích nhiều hơn bởi hành vi ích kỷ. Kết luận dễ hiểu từ thí nghiệm này là trong khi phụ nữ được kích thích bởi lòng tốt thì đàn ông bị kích thích bởi những suy nghĩ ích kỷ. Có nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra phụ nữ có xu hướng đối xử hòa nhã và tốt bụng hơn so với đàn ông.
Phụ nữ cũng không hề có khả năng kém hơn so với đàn ông như những câu nói “phụ nữ làm được gì” mà chúng ta hay được nghe. Để biết được khả năng của một người ta cần nhiều chỉ số như trí thông minh IQ, trí thông minh cảm xúc EQ, khả năng lãnh đạo, vân vân… Khoa học đã chứng minh giới tính không tạo ra sự khác biệt đáng kể trong trí thông minh nói chung, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt giữa hai giới khi so sánh các loại trí thông minh cụ thể, ví dụ: phụ nữ có EQ và khả năng phù hợp để lãnh đạo cao hơn, còn nam giới lại có thước đo quả quyết và trí thông minh không gian cao hơn (Hunt, Earl B. (2010). Human Intelligence. Cambridge University Press).
Cụm từ “như đàn bà” đơn giản chỉ là một sản phẩm của xã hội phụ hệ cực đoan muốn “ướm” phụ nữ nói chung với những tính cách xấu xa và khả năng yếu kém một cách phi logic và phiến diện trong khi thực tế và khoa học đã chứng minh cả hai giới đều có khả năng tương tự như nhau. Tuy nhiên, cường độ và tần suất tiếp xúc với các quan điểm sai lầm thường xuyên như vậy đã khiến những người phụ nữ quanh ta - các bà, các mẹ hay bạn nữ thời kỳ hiện đại - tự đánh giá thấp bản thân và những người nữ khác, từ đó tạo ra sự coi thường chính giới tính của họ.
Cũng từ đây, một “sản phẩm” nổi tiếng của sự tự ghét phụ nữ được hình thành: Pick Me Girl.
Sản phẩm được tạo ra từ sự thù ghét chính mình (Internalized Misogyny Byproduct)
Pick-me Girl: “Tôi không giống các cô gái khác”
Theo bài TED Talk do Antonina Stepak trình bày, hiện tượng “không giống những cô gái khác” xảy ra khi “một người phụ nữ coi mình là độc nhất vì cô ấy nghĩ mình không giống các mô tả hạn hẹp, khuôn mẫu về phụ nữ” hay chính xác là khuôn mẫu mà tính nữ độc hại và xã hội phụ hệ mô tả về phụ nữ, bao gồm: phải điệu đà, thích trang điểm, thích tán gẫu, nói xấu người khác, coi việc thu hút sự chú ý của đàn ông là trọng tâm. Thuật ngữ “pick-me girl” được sinh ra để để chỉ những phụ nữ có hiện tượng trên, trong đó những cô gái này hạ bệ các phụ nữ khác để khẳng định sự khác biệt của mình, và hình ảnh khác biệt mà họ luôn theo đuổi trên thực tế lại chính là hình ảnh của … đàn ông.
Những câu nói quen thuộc của pick me girl có thể kể đến:
“A trang điểm kĩ nhỉ, mình chẳng trang điểm gì cả mình thích tự nhiên”
“Con gái thích phấn son, búp bê còn mình chỉ thích siêu nhân, xe cộ thôi ấy”
Tất cả những hình tượng mà pick me girl nghĩ khiến nổi bật hơn các phụ nữ khác chính là hình ảnh của đàn ông. Hiện tượng tâm lý này xảy ra khi những pick me girl đã tiếp xúc quá nhiều với các định kiến xã hội về phụ nữ (như câu thóa mạ “tính như đàn bà”) và dần dà tin rằng phụ nữ và những tính cách liên quan đến tính nữ đều mang sắc thái tiêu cực cần phải được gỡ bỏ khỏi danh tính của mình.
Mong muốn gỡ bỏ này chính là sự căm ghét tính nữ và muốn theo đuổi những gì được xã hội ca tụng: tính nam. Đây cũng chính là tiền đề cho sự tự ghét phụ nữ. Giai đoạn “pick me girl” thường xuất hiện trong thời kỳ dậy thì khi những thiếu nữ mong muốn được khẳng định bản thân và yêu quý. Tuy nhiên, hiện tượng pick me girl vẫn xảy ra với cả những người đã trưởng thành vì cách suy nghĩ như trên đã in hằn vào trong thế giới quan của họ.
Trong xã hội hiện đại, giới trẻ hầu như ý thức được những hành vi của pick me girl là tiêu cực, tuy nhiên việc chế nhạo những pick-me girl này cũng không giải quyết tận gốc vấn đề đó là “sự tự ghét phụ nữ xuất phát từ quan điểm lệch lạc của xã hội”.
Đi ngược lại hiện tượng Pick me girl - ghét tính nữ - ta có “sản phẩm” gián tiếp thứ hai được tạo ra từ internalized misogyny: Sản phẩm này không những không ghét tính nữ, mà còn … yêu nó đến ám ảnh.
Sự “Nữ tính độc hại” hay phần thưởng “bé ngoan”
Trong cuốn sách Down Girl: The Logic of Misogyny (Logic của sự thù ghét phụ nữ) viết bởi giáo sư triết học đại học Cornell - Kate Manne, bà lập luận rằng thái độ khinh thường phụ nữ không bắt nguồn từ sự thù địch hay căm ghét của nam giới đối với phụ nữ. Chúng xuất phát từ ham muốn kiểm soát và trừng phạt những phụ nữ “dám” thách thức quan điểm “nam giới thống trị”, và khen thưởng những phụ nữ củng cố hiện trạng hiện tại. “Tính nữ độc hại” (Toxic feminity) là một trong những hiện tượng được tạo ra để thúc đẩy diễn biến “khen thưởng” ấy.
Theo Giáo sư Brenda R. Weber, nữ tính độc hại tuân thủ các nguyên tắc vai trò giới tính cứng nhắc của phụ nữ, được củng cố thông qua các niềm tin (đôi khi là vô thức), chẳng hạn như coi bản thân là “không xứng đáng” và bắt buộc phải luôn “nhẹ nhàng”, “dễ chịu”, “vâng lời”.
Cũng như sự “nam tính độc hại” (Toxic musculinity), nữ tính độc hại quy chuẩn việc một người phụ nữ phải hành động và suy nghĩ như thế nào để ra dáng phụ nữ. Những năm gần đây, bạn có thể thấy rất nhiều những video trên nền tảng TikTok và YouTube từ những người phụ nữ đã lập gia đình dạy về cách luyện rèn “tính nữ”.
Những video chèn hình ảnh của Miranda Kerr này luôn diễn bày tính nữ theo quan điểm phiến diện là chuỗi các giá trị xoay quanh việc trở nên dịu dàng, nghe lời, vui vẻ và ngọt ngào, tất cả đều chung một mục đích cuối cùng là để “tưới vào trái tim khô cằn hay phải đấu đá của các anh”.
Ngoài cuộc sống, chúng ta còn có thể thấy sự nữ tính độc hại trong các câu chuyện thúc ép phụ nữ kết hôn, phụ nữ cứ dịu dàng đi để đàn ông nuôi. Tất cả đều đi theo hướng đề cao thái quá một hình tượng “tính nữ” và bóp méo nó để biến nữ giới nếu không có chúng sẽ chẳng “tỏa sáng”, “không được yêu chiều”. Đây chính là phiên bản đảo ngược của “nam tính độc hại” khi nam giới bị bắt phải cứng rắn, mạnh mẽ, đóng vai trò chu cấp.
Những quan điểm này đẩy sự phân biệt vai trò giới lên cao và tạo ra những chiếc lồng giam - trong đó người nữ nếu không đi theo những giá trị kia sẽ bị coi là thiếu “tính nữ”, “thiếu tỏa sáng”, “ương ngạnh”, “không được nam giới yêu”, còn người nam sẽ bị coi là “mềm yếu”, “không đáng tin”, “không được phụ nữ thích”. Phụ nữ khi tin vào nữ tính độc hại cũng không coi trọng sự tự do chọn lựa của chính mình, coi thường khả năng tự làm chủ của phụ nữ và tin vào việc phụ nữ phải đi theo đàn ông, hay đàn ông phải chu cấp hoàn toàn cho phụ nữ.
Ở đây không phải nói rằng nữ thì đều phải đi làm hùng hục, cư xử rất đanh thép và không được trở nên nữ tính. Tính nữ hay nam luôn tồn tại trong một cá nhân và cân bằng lẫn nhau cũng như cùng nhau phát triển. Nếu một cô gái có sự thấu hiểu, lắng nghe thì cũng cần phải có sự bộc trực, thẳng thắn - nếu chỉ phát triển một trong hai loại tính đến cực đại thì đó là sự phát triển độc hại sẽ biến cô gái ấy hoặc trở nên nhu nhược, thiếu quyết đoán, hoặc thiếu sự mềm mỏng cần thiết. Vậy nên mong muốn phát triển chỉ một tính sẽ là trò lừa đảo nghe chừng hay ho nhưng vô nghĩa, hoặc nếu nó có hiệu quả thì nó sẽ biến bạn trở thành một con người trái khoáy, không có sự cộng hưởng ôn hòa chứ không phải trở thành “một cô gái có tính nữ lấp lánh” như những video đầy rẫy trên TikTok.
Kết luận
Tất cả những hiện tượng kể trên đều vô hình chung đẩy chiến tranh giới - chiến tranh giữa quyền và nghĩa vụ giữa hai giới lên cực điểm.
Việc ép đàn ông phải gồng mình và phụ nữ phải hạ thấp bản thân đều không phải trạng thái tốt cho tâm lý của cả hai giới. Nên nhớ, đòi hỏi nhiều quyền lợi sẽ đi kèm với mang nhiều trọng trách và áp lực.
Học cách tôn trọng, tin tưởng chia sẻ quyền và nghĩa vụ sẽ giúp cả hai giới làm việc hiệu quả, cân bằng và hạnh phúc hơn thay vì đàn ông phải gánh quá nhiều trách nhiệm và trở nên thù hận, còn phụ nữ thì bị đặt trong trạng thái chờ hưởng, sau đó bị coi thường.
Đừng để những cá nhân gia trưởng, độc tài, hay lười biếng, ỷ lại, lợi dụng những khe hở của phân biệt giới tính để trục lợi, truyền bá những tư tưởng thù ghét, sai lầm, cốt để đẩy hai giới - vốn là một thể - trở nên căm ghét lẫn nhau.
Lắng nghe phiên bản Audio tại đây:
ôi bài này hay thật sự í
Thank you chị Anne, bài này so insightful & worth reading ạ. Incase chị có ý tưởng xuất bản P2 cho nội dung này :D, em siêu tò mò về ảnh hưởng của sự cạnh tranh sinh học lên sự hình thành của Mysogyny, ví dụ như bản năng tìm bạn đời có phải lí do khiến phụ nữ dễ có xu hướng ghét nhau hay không? Anyways looking for your newsletter next week ak :D